ĐBSCL khó tránh khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng khi mực nước sông Mê Kông đang xuống quá thấp. Ở Campuchia, diện tích mặt nước Tonle Sap (Biển Hồ), hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, đang bị thu hẹp, nhiều khu vực cạn trơ đáy.
Làng nổi Chong Khneas trên Biển Hồ của người gốc Việt ở Siem Reap, Campuchia đang gặp nhiều khó khăn khi Biển Hồ cạn trơ đáy, ghe bè mắc cạn |
Từ lâu Biển Hồ nổi tiếng hồ nước ngọt điều tiết nước cho khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Toàn bộ Biển Hồ tiếp giáp với 5 tỉnh của Campuchia là Siem Reap, Kampong Chnang, Kampong Thom, Patampang và Pursa. Mùa khô, diện tích hồ là khoảng 10.000 km² và thường tăng lên thành 16.000 km² vào mùa mưa. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm này đã vào mùa mưa nhưng mực nước ở Biển Hồ đang cạn kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn đến sinh kế người dân.
Dân Biển Hồ gạn bùn lấy nước xài
Chiều ngày 15.7, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, Văn phòng Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia cho biết, tình trạng mực nước Biển Hồ cạn kỷ lục và kéo dài đến thời điểm này đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân; đặc biệt là các hộ Việt kiều sinh sống ở các làng nổi ở hồ nước ngọt khổng lồ này.
Tại làng nổi Chong Khneas, tỉnh Siem Reap, rất nhiều hộ dân ở đang trong tình trạng “mắc cạn” trên các bãi bùn, không thể kéo bè ra khu vực còn ngập nước để di chuyển dễ dàng hơn.
|
Nguyên nhân nước sông Mê Kông xuống thấp?
Không chỉ ở Biển Hồ, mực nước trên sông Mê Kông cũng đang xuống rất thấp. Và điều này có thể lý giải tình trạng suy giảm nguồn nước nghiêm trọng ở Tonle Sap khi một trong những nhánh chính của Mekong là nguồn cung cấp nước chính cho hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này.
Liên quan đến mực nước trên sông Mê Kông, tờ Bangkok Post hôm 14.7 đưa tin, mực nước trên sông Mê Kông tại tỉnh Nakhon Phanom địa phương giáp với tỉnh Khammouan, Lào hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Cụ thể, mực nước sông ghi nhận được là 2,60 m, thấp hơn khoảng 10 m so với điểm tràn trên bờ sông Mê Kông (cao khoảng 13 m). Cùng thời điểm này năm 2018, mực nước sông chỉ cách điểm tràn khoảng 12 m.
Báo cáo thuỷ văn của Trạm khí tượng tại tỉnh Nakhon Phanom cho biết, lượng mưa trung bình trong năm 2019 là khoảng 90 mm, thấp hơn rất nhiều so với khoảng 300 mm được ghi nhận năm 2018.
Mưa ít, công với việc khu vực thượng nguồn Mê Kông vừa trải qua một mùa khô hạn kéo dài được xem là 2 trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mực sông Mê Kông bị xuống thấp.
Ngoài ra, những tháng khô hạn trước đó cũng khiến cho lượng nước ở các nhánh sông của sông Mekong như Nam Kam, Nam Oun và Nam Songkhram cũng hạ thấp, chỉ chiếm khoảng 20 – 30% so với khả năng chứa. Tình trạng này có thể tồi tệ hơn nếu tình trạng mưa quá ít tiếp diễn. Hiện tại, cơ quan thủy lợi tỉnh NaKhon Phanom đã cho trữ nước tại tất cả 13 hồ chứa trong 12 huyện của tỉnh này để chủ động nguồn nước. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân giảm các hoạt động sản xuất nông nghiệp cần tưới tiêu nhiều để tránh thiệt hại.