Mô tả
Nửa thế kỷ trước, chuyện các ngư dân miền Tây quăng lưới bắt được cá hô nặng hàng trăm kg không phải ít. Nhưng khoảng 30 năm trở lại đây, loài cá khổng lồ này dần biến mất, nằm trong sách Đỏ Việt Nam vì nguy cơ tuyệt chủng.
Cá hô có tên khoa học Catlocarpio siamensis là loại có kích thước lớn nhất trong họ cá chép (Cyprinidae), sống trên dòng Mekong. Cái tên “cá vua” xuất phát từ đây, khi có con được ghi nhận nặng đến 600 kg, dài 3 m. Thịt cá rất ngon và có giá lên đến 2 triệu đồng mỗi kg.
Tuy khan hiếm ngoài tự nhiên, song tại Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (huyện Cái Bè, Tiền Giang) hiện có quần thể cá hô lớn nhất nước. Hơn trăm con bố mẹ nặng hàng chục kg có thể sinh sản, cung cấp cho thị trường khoảng 300.000 cá giống mỗi năm.
Để nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo, bảo tồn thành công giống cá quý, Thạc sĩ Thi Thanh Vinh cùng với các đồng sự mất gần 5 năm nghiên cứu. Họ cũng trải qua nhiều thất bại liên tiếp, đi lại như thoi giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm nguồn cá bố mẹ.
“Hễ nghe ở đâu có nuôi hay bắt được cá hô lớn, tôi lại tìm đến mua. Do giá cá cao nên khi đến nơi ngư dân đã bán cho thương lái. Còn với những hộ nuôi trong ao 1-2 cá thể xem như biểu tượng may mắn thì lại tưởng chúng tôi là thương lái nên nhất quyết không bán”, ông Vinh kể.